Di tích Hoàng thành Thăng Long: Sẽ là công viên văn hóa lịch sử
Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Theo đó, khu vực 4,5ha ở đây sẽ trở thành công viên văn hóa lịch sử với nhà trưng bày, khu vực trưng bày mô phỏng… Đây là một tin vui với giới khoa học và người dân, song nó cũng đặt lên vai các nhà quản lý văn hóa, khảo cổ học trọng trách nặng nề.
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được quy hoạch là Công viên Văn hóa lịch sử.Ảnh: Nguyệt Ánh
Một công viên văn hóa đặc biệt
Theo quy hoạch vừa công bố khu Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới, sẽ trở thành công viên văn hóa lịch sử, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển liên tục từ hơn 1.300 năm trước. Theo quy hoạch, tổng diện tích khu đất là 45.380m2 trong đó, diện tích nhà trưng bày khảo cổ là hơn 13.600m2, khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính rộng hơn 3.400m2, diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ học 21.000m2. Ngoài ra, còn có khu nghiên cứu khảo cổ học, khu vực kỹ thuật, phụ trợ, sân, đường giao thông…
Tại 18 Hoàng Diệu, sẽ quy hoạch nơi trưng bày, bảo quản tại chỗ để bảo vệ các hố khai quật hiện nay. Ngoài ra, còn có nhà trưng bày các hiện vật được tìm thấy tại khu Hoàng thành. Công trình mới trong khu di tích 18 Hoàng Diệu sẽ có chiều cao dưới 5m và hạn chế xây dựng các công trình nổi. Trong quy hoạch cũng xác định xây dựng một đường ngầm qua trục Hoàng Diệu để kết nối khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Thành cổ. Khu công viên văn hóa Hoàng thành sẽ có 4 lối vào từ đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Cổng chính được đặt tại phía nam khu đất, góc đường Hoàng Diệu - Bắc Sơn. Trong nội bộ khu di tích sẽ thiết kế hai tuyến đường tham quan chính và đường dạo kết nối các điểm tham quan…
Việc Hoàng thành trở thành công viên mang một ý nghĩa rất lớn. Nó tạo nên một cảnh quan đẹp, ấn tượng, trở thành điểm nhấn cho Hà Nội và đặc biệt là góp thêm cho sự hài hòa về cảnh quan chung cho khu trung tâm chính trị Ba Đình. Khách du lịch đến đây vừa có thể vui chơi, thưởng ngoạn, hưởng thụ văn hóa, vừa chiêm ngưỡng những giá trị di sản. Mặt khác, nó góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Namvới bạn bè quốc tế.
Về việc kết nối giữa Thành cổ Hà Nội và khu di tích 18 Hoàng Diệu bằng đường ngầm, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành cho biết, hai di sản trên là vùng lõi của Hoàng thành Thăng Long, bị phân cách bởi đường Hoàng Diệu hiện là trục giao thông rất quan trọng. Không thể cấm người dân qua lại, nhưng nếu làm cầu vượt thì sẽ phá vỡ cấu trúc cảnh quan. Giải pháp biến Hoàng Diệu thành đường đi bộ cũng khó thực hiện vì đây là đoạn đường vào trung tâm chính trị. Chính vì vậy, làm đường hầm là giải pháp hợp lý hơn cả.
Việc quy hoạch xây dựng Hoàng thành phải bảo tồn được di tích đã phát lộ dưới lòng đất.Ảnh: Quang Xuân
Vai trò quan trọng của khảo cổ học
Theo TS Bùi Minh Trí, giới khảo cổ giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng công viên, đơn giản vì đây là di sản khảo cổ. Như khi đào móng xây dựng công trình đụng phải di tích thì chỉ có các nhà khảo cổ học mới có thể xác định được các kiến trúc ấy mở rộng ra các bên ra sao, từ đó đưa ra cảnh báo việc xây dựng nên thế nào để di tích phía dưới không bị xâm hại.
Trong việc xây dựng Hoàng thành thành công viên, sẽ là tốt hơn nếu các nhà khảo cổ học tham gia, hoặc giữ vai trò quyết định việc thiết kế lộ trình tham quan, xây dựng các điểm nhấn, đưa ra giải pháp trùng tu tôn tạo và giới thiệu nội dung trưng bày. Điều đó không chỉ giúp cho công chúng, khách tham quan hiểu rõ hơn về di sản, di chỉ khảo cổ, diện mạo kiến trúc, mà còn giúp xác định phương án bảo tồn một cách tốt hơn.
Vừa qua, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã đề xuất phương án xây dựng bảo tàng tại chỗ ở khu A, B. Theo đó, các di tích khảo cổ được giữ nguyên vị trí và xây dựng mái che. Bảo tàng được thiết kế hiện đại, bảo đảm hai tiêu chí quan trọng là bảo tồn được di tích đã phát lộ dưới lòng đất trong môi trường kín và đáp ứng được nhu cầu khách tham quan. TS Bùi Minh Trí giải thích, bảo tàng phải kín để hạn chế tác nhân môi trường phá hoại di sản. Theo thiết kế, ánh sáng, không khí trong đó đều là nhân tạo nhằm bảo đảm yêu cầu về độ ẩm, nhiệt độ, di tích không phải chịu tác động của gió, vi sinh vật…
Theo TS Bùi Minh Trí, ngay cả khi Hoàng thành đã trở thành công viên, việc nghiên cứu khảo cổ vẫn tiếp tục được tiến hành vì còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về Hoàng thành. Các nghiên cứu gần đây đã gợi mở nhiều điều quan trọng. Chẳng hạn, về cơ bản ta đã xác định được các công trình kiến trúc thuộc thời kỳ nào, nhận thức được mặt bằng kiến trúc nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, mối quan hệ giữa các không gian kiến trúc với nhau… nhưng tất cả mới dừng lại ở nghiên cứu ban đầu. Bây giờ, vấn đề chính mà các nhà khoa học phải trả lời là tính chất của các kiến trúc là gì, kỹ thuật xây dựng thế nào, kiến trúc đó nằm trong giai đoạn nào của nhà Lý, nhà Trần, có liên quan gì trong hệ thống cung điện của nhà Lý, nhà Trần; tổng quan quy hoạch chung của kinh thành Thăng Long lúc đó, khu vực bên phía tây nam của điện Kính Thiên thế nào, nó có mối quan hệ ra sao với Cấm thành Thăng Long… Đó vẫn là những câu hỏi lớn mà các nhà khảo cổ học phải tiếp tục làm rõ.
Viết bình luận